Nhóm nòng cốt đa bên về VPA/FLEGT họp lần thứ 6

Ngày 6/7/2019, tại Thành phố Đà Nẵng, Nhóm nòng cốt thực thi đa bên về Hiệp định VPA/FLEGT (Nhóm nòng cốt VPA/FLEGT) đã tổ chức cuộc họp Nhóm lần thứ 6 nhằm góp ý cho dự thảo Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Cuộc họp có sự tham dự hơn 60 đại biểu đại diện cho các Bộ (Bộ Nông nghiệp và PTNT/Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính/Tổng cục Hải quan), 36 tổ chức thành viên của Nhóm nòng cốt và một số doanh nghiệp chế biến, xuất nhập khẩu gỗ. Cuộc họp do ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, và ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, ông Phạm Văn Điển nhấn mạnh ‘Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực từ 1/6/2019, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu nói riêng và cả ngành lâm nghiệp Việt Nam nói chung. Các cấp lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp, các hộ trồng rừng đều ủng hộ Hiệp định VPA/FLEGT và cam kết thực hiện nghiêm túc hiệp định. Để thực hiện Hiệp định, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã khẩn trương dự thảo Nghị định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam và đang lấy ý kiến các bên liên quan từ 1/6/2019. Nghị định này sẽ điều chỉnh một số quy định pháp luật về quản lý gỗ nhập khẩu, phân loại rủi ro doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu và cấp phép FLEGT cho thị trường EU theo cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT với EU. Đây là những nội dung phức tạp, lần đầu tiên quy định tại Việt Nam nên Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các tổ chức, các doanh nghiệp, hiệp hội tích cực đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định”.

Ông Ngô Sỹ Hoài, đồng chủ tịch Nhóm Nòng cốt VPA/FLEGT trong bài phát biểu khai mạc đã đánh giá cao sáng kiến của Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức cuộc họp lần thứ 6 của nhóm Nòng cốt VPA/FLEGT để các thành viên trao đổi và góp ý cho dự thảo nghị định một cách hệ thống và hiệu quả. Ông Hoài khẳng định ‘Việc tham dự đầy đủ của các thành viên Nhóm Nòng cốt tại cuộc họp lần này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các thành viên, đặc biệt là các hiệp hội gỗ lâm sản, hội chủ rừng, cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội về vấn đề trọng đại của ngành”

Sau khi nghe Văn phòng thường trực BCĐ về FLEGT và Lacey tóm tắt các cam kết chính của Hiệp định VPA/FLEGT về Hệ thống VNTLAS và Cục Kiểm lâm thay mặt cho Ban soạn thảo trình bày nội dung chính của dự thảo Nghị định VNTLAS, các đại biểu đã thảo luận tại hai nhóm tập trung vào các nội dung: (i) cấu trúc, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị định; (ii) quy định về quản lý gỗ nhập khẩu vào Việt Nam; (iii) quy định về phân loại doanh nghiệp; và (iv) quy định về xác minh xuất khẩu và cấp phép FLEGT. Các đại biểu đã thảo luận trên cả hai khía cạnh là tính phù hợp của dự thảo Nghị định với cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT và tính khả thi khi thực hiện.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Lâm nghiệp và Ban soạn thảo Nghị định đã hoàn thành bản dự thảo Nghị định ngay sau khi Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực. Tại cuộc họp các ý kiến góp ý cho rằng nội dung dự thảo Nghị định chưa phản ánh đầy đủ tên của Nghị định, vì dự thảo Nghị định chưa bao gồm toàn vẹn chuỗi cung ứng của Việt Nam và chỉ tập trung vào khâu nhập khẩu và xuất khẩu. Ngoài ra, dự thảo Nghị định chưa phản ánh đầy đủ các nội dung trong Phụ lục V về Hệ thống VNTLAS của Hiệp định VPA/FLEGT bao gồm thanh tra, kiểm tra nội bộ và đánh giá độc lập. Về quản lý gỗ nhập khẩu, các đại biểu đề nghị sử dụng các tiêu chí phân loại loài rủi ro và vùng địa lý rủi ro, sử dụng các chứng chỉ quản lý rừng bền vững tự nguyện hoặc quốc gia được VNTLAS công nhận như là bằng chứng bổ sung chứng minh lô gỗ nhập khẩu là hợp pháp như đã được Việt Nam và EU nhất trí trong Hiệp định VPA/FLEGT. Về phân loại doanh nghiệp, nhiều đại biểu có ý kiến đây là công cụ tốt để quản lý chuỗi cung, cần được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung úng của Hệ thống nên cấp mã số cho DN để theo dõi và truy xuất nguồn gốc. Về xác minh xuất khẩu, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc phương án ban hành một ‘Chứng chỉ gỗ hợp pháp của Việt Nam’ cho các lô hàng xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài EU của các doanh nghiệp được phân loại thuộc nhóm 1 để tăng tính cạnh tranh cho các DN này khi xuất khẩu.

Kết thúc cuộc họp, ông Phạm Văn Điển đánh giá cao sự đóng góp nhiệt tình, tâm huyết, mang tính xây dựng của các đại biểu. Ông nhấn mạnh Ban soạn thảo sẽ xem xét và cân nhắc kỹ lượng tất cả các ý kiến góp ý của Nhóm Nòng cốt VPA/FLEGT và đề nghị Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo FLEGT và Lacey tổng hợp tất cả các ý kiến gửi Cục Kiểm lâm và lãnh đạo TCLN chậm nhất vào ngày 25/7/2019. Ngoài ra, các thành viên của Nhóm nòng cốt có thể trực tiếp gửi góp ý về dự thảo Nghị định cho Cục Kiểm lâm và Ban soạn thảo Nghị định./.

Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp

By |2021-02-07T16:50:54+00:00July 7th, 2019|CÁC PHIÊN HỌP|0 Comments